Hãng AFP ngày 6.11 đưa tin Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho rằng hệ thống lương thực và nông nghiệp làm tăng thêm ít nhất 10.000 tỉ USD "chi phí ẩn" hằng năm đối với nền kinh tế toàn cầu.
Nghiên cứu của FAO phân tích 154 quốc gia để đưa ra "chi phí thực sự" của hệ thống thực phẩm nông nghiệp, với các khoản chi phí ẩn xuất phát từ những chế độ ăn thiếu lành mạnh, khí thải và tình trạng thiếu dinh dưỡng.
Ước tính chi phí ẩn toàn cầu là khoảng 12.700 tỉ USD vào năm 2020, chiếm gần 10% tổng sản phẩm toàn cầu.
"Tương lai của các hệ thống thực phẩm nông nghiệp của chúng ta phụ thuộc vào việc sẵn sàng thừa nhận những chi phí thực sự này và hiểu cách tất cả đã góp phần gây ra", theo Tổng giám đốc FAO Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu).
Nghiên cứu cho thấy 73% chi phí ẩn có liên quan chế độ ăn uống không tốt, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chất béo và đường, gây béo phì và các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường. FAO cho biết hậu quả bao gồm tổn thất về năng suất lao động.
Hơn 20% chi phí ẩn có liên quan các vấn đề môi trường bao gồm phát thải từ khí nhà kính và nitơ, sử dụng nước và thay đổi mục đích sử dụng đất.
Các quốc gia có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những chi phí ẩn này, chiếm 27% GDP so với mức 11% ở các quốc gia có thu nhập trung bình và dưới 8% ở các quốc gia giàu có.
Theo trang Carbon Pulsedẫn lời chuyên gia Andrea Cattaneo dẫn đầu nhóm tác giả nghiên cứu, FAO hy vọng các nước dựa vào những ước tính sơ bộ để có thể cải thiện.
Chống lãng phí thực phẩm 'trọn gói' từ chợ đến bếp
Ông cho biết Thụy Sĩ cùng với các quốc gia khác đang hợp tác với FAO để cố gắng thực hiện điều này, trong khi Canada và Quỹ Rockefeller ở Mỹ trước đây đã thực hiện các nghiên cứu liên quan tính toán chi phí thực sự.
Một nghiên cứu thứ 2 sẽ được thực hiện vào năm tới với nhiều đánh giá hơn về các quốc gia, chỉ ra những cách tốt nhất để giảm thiểu chi phí tiềm ẩn của họ. Ông Cattaneo hy vọng phương pháp nghiên cứu kép với kết quả tương đương sẽ khuyến khích chính phủ các nước cùng tham gia.