CHẶN ĐỨNG KẾ HOẠCH "TIẾN QUÂN RA HUẾ"
Tấm bản đồ triều Tự Đức bị quân Pháp tịch thu tại lỵ sở quân thứ Quảng Nam ngày 15.9.1859 cho thấy ngoài vành đai phòng thủ quanh vịnh Đà Nẵng là một hệ thống liên hoàn gồm 17 công trình (được xây dựng trải từ triều vua Gia Long đầu thế kỷ 19 đến năm 1857,ĐitìmcổthànhBàihọclấythủlàmchiếbet 11 đầu triều vua Tự Đức), còn có nhiều đồn, lũy phòng thủ được đắp sâu bên trong đất liền ở cả tả, hữu ngạn sông Hàn. Với hệ thống phòng thủ vững chắc cùng sự lãnh đạo tài ba của danh tướng Nguyễn Tri Phương, quân ta đã đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân địch.
Lần giở sử liệu, thấy rõ sự kiện sáng 1.9.1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha do Rigault de Genouilly chỉ huy đã đồng loạt nổ súng tấn công các công trình phòng ngự ở cửa biển Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà. Theo nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh (Hội Di sản văn hóa Đà Nẵng), mặc dù được bố phòng hợp lý, quân ta chống trả kiên cường nhưng vì trang bị vũ khí lạc hậu, binh lính thiếu huấn luyện nên các công trình phòng thủ của ta không thể trụ vững bởi sức công phá ác liệt của đạn đại bác phương Tây. Sau 2 ngày tấn công, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã chiếm bán đảo Sơn Trà, các thành An Hải và Điện Hải cũng thất thủ. Lo ngại quân Pháp đưa quân theo đường bộ vượt Hải Vân ra Huế, vua Tự Đức đã cử Nguyễn Tri Phương đang giữ chức kinh lược sứ Nam Kỳ ra chỉ huy mặt trận Đà Nẵng.
"Nguyễn Tri Phương nhận thấy quân Pháp có thế mạnh về tàu chiến và vũ khí hiện đại, còn quân ta vũ khí thô sơ, thiếu tinh nhuệ nên chủ trương phòng thủ là chính, cho dân di tản vào phía sau, thực hiện "vườn không nhà trống", đắp thêm chiến lũy từ bờ biển đến Phước Ninh, Thạc Gián; đưa quân phục kích, có cơ hội là tấn công tiêu diệt sinh lực địch. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, quân ta đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch. Trong tình thế bị chặn đứng, lực lượng bị tiêu hao, sau 5 tháng chiến đấu, quân Pháp phải bỏ Đà Nẵng kéo quân vào tấn công Nam bộ", ông Hồ Xuân Tịnh phân tích.
Sau 18 tháng tấn công Đà Nẵng, quân Pháp không thể tiến sâu vào nội địa, binh lính bị chết nhiều và bị dịch bệnh, kế hoạch chiếm đóng Đà Nẵng làm bàn đạp tiến quân ra Huế không thực hiện được. Tháng 3.1860, quân Pháp phải rút quân khỏi Đà Nẵng sau khi đốt phá các thành, đồn dọc sông Hàn và bán đảo Sơn Trà. NSND Huỳnh Hùng, nguyên Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, đánh giá: "Chiến thắng của ta ở mặt trận Đà Nẵng là tổng hợp của nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như tinh thần yêu nước nồng nàn cùng sự dũng cảm hy sinh của quân dân, có các tướng lĩnh chỉ huy giỏi, triều đình luôn khích lệ, thưởng phạt nghiêm minh. Và trong chiến thắng đó có sự đóng góp của các công trình phòng thủ mà tiêu biểu nhất là thành Điện Hải".
NGHỆ THUẬT CHIẾN TRANH DU KÍCH
Trong nghiên cứu của mình, TS-KTS Phan Bảo An, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng, cùng các cộng sự đưa ra nhận định với chiến thắng ở Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương trở thành vị tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống xâm lược từ phương Tây. Căn cứ vào tình hình thực tế và tương quan lực lượng, Nguyễn Tri Phương xác định: "…giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy, để dần dần tiến đến gần giặc".
Được sự chấp thuận của triều đình nhà Nguyễn về việc cho chỉnh đốn lại quân ngũ, sửa sang đồn lũy, danh tướng Nguyễn Tri Phương cho lập đồn Liên Trì và đắp lũy dài từ Hải Châu cho đến Phước Ninh; lập phòng tuyến dài từ chân núi Cẩm Khê đến đồn Liên Trì dài 3 km (phòng tuyến gồm nhiều hầm dích dắc, dưới cắm chông, trên phủ cát và chướng ngại vật ngụy trang, cách một đoạn có một ổ kháng cự, một khẩu đại bác, cùng tổng cộng khoảng 10.000 quân trấn giữ). Đồng thời, lệnh cho quân làm lại công sự, sửa lại đồn, đặt lại các vọng lâu để dễ bề quan sát, ứng cứu... rồi chia quân ra phòng giữ. Xác định giữ vững những mặt trận còn lại để tìm cách cự chiến, đắp xong đồn lũy rồi dần dần mới xông tới, xác định đánh lâu dài với địch, ông đã vận động người dân bất hợp tác với giặc, để lại "vườn không nhà trống" những vùng bị tấn công.
Bài viết của các tác giả này cũng chỉ ra việc xây dựng hệ thống đồn lũy, bố trí lực lượng và xác định phương châm lấy thủ làm lợi, giữ vững trận địa, vận dụng nhiều cách đánh sáng tạo để làm tiêu hao lực lượng liên quân, như đánh du kích, làm cản trở hoạt động tàu chiến (lấy lưới giăng làm cho bánh lái, chân vịt của tàu Pháp bị vướng, gặp khó khăn khi di chuyển)… Qua đó, giữ cho thế trận của quan quân nhà Nguyễn, kiềm chế các điểm mạnh về hỏa lực và vũ khí của liên quân Pháp - Tây Ban Nha. Sau 18 tháng tấn công vào Đà Nẵng (từ tháng 9.1858 - 3.1860), liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ có thể đánh chiếm các thành đồn mà không thể tiến sâu vào nội địa. Kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường ra Huế đã thất bại.