Báo cáo Đại lộ bán lẻ thế giới năm 2023 mới phát hành của Cushman & Wakefield cho biết giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi,ĐồngKhởiTPHCMlọtnhómmặtbằngchothuêđắtnhấtthếgiớcgv bà triệu TP HCM đạt 390 USD mỗi feet vuông một năm (tương đương 350 USD mỗi m2 một tháng). Con số này tăng 17% so với cùng kỳ và tăng 40% so với trước dịch bệnh, đưa đường Đồng Khởi tăng một bậc lên hạng 13 so với năm ngoái. Giá thuê mặt bằng đường Đồng Khởi cao hơn cả các tuyến đường đắt nhất tại Munich (Đức), Amsterdam (Hà Lan) hay Bangkok (Thái Lan).
Phố Tràng Tiền, Hà Nội cũng góp mặt trong nhóm có mặt bằng bán lẻ cho thuê đắt đỏ nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Giá thuê tại đây đã tăng lần lượt 20% so với cùng kỳ và 50% so với trước dịch bệnh, đạt 334 USD mỗi feet vuông một năm (tức gần 300 USD mỗi m2 một tháng). Con số này đưa phố Tràng Tiền tăng ba bậc lên hạng 17 trong khu vực so với năm ngoái.
Đại lộ số 5 của New York, Mỹ vẫn giữ vị trí là điểm đến bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới, mặc dù giá thuê không tăng trưởng so với năm trước. Đại lộ Via Montenapoleone của Milan lên vị trí thứ hai, còn phố Tsim Sha Tsui (Tiêm Sa Chủy) của Hong Kong tụt xuống vị trí thứ ba.
Theo ghi nhận của VnExpress, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại các tuyến phố đắc địa nhất TP HCM và Hà Nội vẫn ở ngưỡng cao thời gian qua, dù một số chủ nhà đã chấp nhận giảm giá để hỗ trợ người thuê trong thời điểm kinh tế khó khăn. Ví dụ, nhiều căn mặt đường Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Lê Lợi, Trương Định quận 1 có giá thuê khoảng 200-500 triệu đồng một tháng, tùy diện tích. Còn tại Hà Nội, giá thuê mặt bằng trên một số tuyến phố trung tâm như Hàng Bông, Hàng Bài, Tràng Tiền khoảng 100-300 triệu đồng một tháng, tùy diện tích.
Tuy nhiên, những tuyến phố trung tâm cũng đang chứng kiến làn sóng trả mặt bằng "càn quét" nhiều tháng qua. Báo cáo 9 tháng đầu năm của Viện Nghiên cứu kinh tế, tài chính, bất động sản Dat Xanh Services (FERI) cho thấy giá cho thuê mặt bằng nhà phố thương mại tại Hà Nội giảm trung bình 15-25%, TP HCM giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do là áp lực của suy giảm kinh tế, lạm phát khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cùng với sự vươn lên của thương mại điện tử.
TS Dominic Brown, Giám đốc Nghiên cứu thị trường quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương, nhìn nhận lĩnh vực bán lẻ trên toàn cầu đang ghi nhận khả năng phục hồi dù các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Cụ thể, giá thuê trên toàn cầu tăng trung bình 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, châu Á – Thái Bình Dương tăng trưởng mạnh nhất (5,3%), theo sau là châu Mỹ (5,2%) và châu Âu (4,2%). Giá thuê mặt bằng bán lẻ truyền thống tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn neo cao, chiếm 4 trong số 10 điểm đắt đỏ nhất toàn cầu.
Trong các ngành hàng bán lẻ, Cushman & Wakefield đánh giá doanh số bán hàng xa xỉ vẫn tăng trưởng tích cực dù đã chậm lại. Hơn 95% thương hiệu xa xỉ báo cáo tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 và kéo dài đến đầu năm 2023. Trong năm tới, dù còn nhiều thách thức, ngành bán lẻ cao cấp dự kiến tiếp tục hoạt động tốt nhờ lượng khách hàng cốt lõi vốn ít bị ảnh hưởng bởi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Ngọc Diễm