Đó là nhận định mới của Giáo sư (GS) David Khayat - cha đẻ các chiến lược quốc gia chống ung thư ở Pháp trong chuyến công tác tại Việt Nam mới đây.
Thiếu luật kiểm soát, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mớigia tăng
Theo GS David Khayat, Việt Nam hiện vẫn chưa đưa vào kiểm soát thuốc lá mới, trong khi tình trạng nhập lậu các sản phẩm này ngày càng gia tăng. Điều này mang đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe của người dùng khi không được tiếp cận các sản phẩm chính danh, có nguồn gốc, chất lượng đảm bảo, từ đó tạo gánh nặng cho ngành y tế và toàn xã hội nói chung.
Cụ thể, việc thiếu nguồn cung cấp các sản phẩm đã qua kiểm tra chất lượng trong khi nhu cầu luôn hiện hữu, đã thúc đẩy người dùng tìm kiếm, sử dụng sản phẩm nhập lậu, vì "khi không cho phép thuốc lá mới được kinh doanh công khai, thì người dân sẽ mua chui, không kiểm soát được", GS Khayat nhấn mạnh.
Trước đó, trong một tọa đàm về quản lý thuốc lá mới diễn ra tại Hà Nội hôm 19.10, Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cũng khẳng định: 100% thuốc lá mới tại Việt Nam đều là hàng nhập lậu. Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp tiêu dùng thực phẩm, Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cũng cập nhật, lực lượng chức năng đã tăng cường phòng chống buôn lậu song "tình hình vẫn diễn biến phức tạp".
Nói thêm về thực trạng, theo GS Khayat, số liệu cho thấy số người hút thuốc lá ở trên thế giới cách đây 25 năm là 1 tỉ thì bây giờ vẫn là 1 tỉ, tức là không có thay đổi về tổng số người hút thuốc lá.
Đồng thời, ông cũng nhìn nhận, cách đây 30 năm, tức là thập niên 90, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư. Đến 30 năm sau, thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư trên toàn cầu, mặc dù chính phủ nhiều nước, kể cả Việt Nam, đã có nhiều biện pháp như cấm thuốc lá nơi công cộng, tăng giá, cấm quảng cáo…
Điều này chứng tỏ, việc cố gắng loại bỏ thuốc lá ra khỏi đời sống của con người như cách mà các chính phủ áp dụng khi cấm hoàn toàn thuốc lá đã không đem lại hiệu quả. Vì vậy cần phải đi đến biện pháp thứ hai, là giảm mức tiếp xúc với các chất sinh ra ung thư, tức là cần giảm hàm lượng các chất độc hại cho những người nghiện hút thuốc không thể cai, thông qua những giải pháp thay thế là các sản phẩm không khói, ví dụ như thuốc lá làm nóng. Theo đó, nhiều nghiên cứu khoa học từ FDA Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan… đều cho thấy, so với thuốc lá điếu, nếu sử dụng thuốc lá làm nóng thì sẽ giảm được nguy cơ tiếp xúc với các chất sinh ung thư từ 80-98%, hoặc từ 10-25 lần.
GS Khayat cũng chỉ ra, mặc dù hiện chưa có nghiên cứu lâu dài để đánh giá tác động của các sản phẩm thuốc lá mới lên sức khỏe con người, nhưng chúng ta đều biết ung thư là hậu quả của quá trình rất dài, từ 20 đến 30 năm. Đây là khoảng thời gian để chờ đợi các kết quả nghiên cứu, không nên là thời gian để các nhà quản lý đưa ra quyết định đối với các sản phẩm này, bởi vì các dữ liệu ngắn hạn đã đủ để làm sở cứ tham khảo.
"Nếu như giảm được hàm lượng tiếp xúc với các chất gây ung thư, thì chúng ta có thể giảm được nguy cơ gây ung thư. Điều đó đúng với các sản phẩm thuốc lá mới. Theo thời gian, sẽ có các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ tích cực giữa việc giảm nguy cơ ung thư với việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới", GS Khayat nói thêm.
Lệnh cấm không giúp giảm tác hại của thuốc lá
GS Khayat cho biết: Vào khoảng thập niên 20-30 Mỹ đã cố gắng cấm rượu. Tuy nhiên, sau đó chính phủ đã không kiểm soát được tình trạng buôn lậu rượu diễn ra. Do đó, đến cuối năm 1932, Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm rượu vì không có hiệu quả thực tiễn.
Còn tại Anh, trong thập niên 80 đã xảy ra tình trạng người nghiện ma túy sử dụng chung kim tiêm, dẫn đến việc lây lan HIV và bệnh viêm gan trên thế giới. Vì biết không thể cấm hoàn toàn việc sử dụng ma túy ngay lập tức, nên chính phủ Anh đã quyết định giải pháp khác là giảm nguy hại bằng cách cung cấp kim sạch cho người nghiện. Chính sách này đã mang lại hiệu quả khi chỉ trong vòng vài năm, tỷ lệ nhiễm HIV của Anh là thấp nhất thế giới.
Theo đó, GS Khayat cho rằng lệnh cấm không hiệu quả đối với các nhu cầu thực tế của xã hội. Do đó, thay vì cấm hoàn toàn, chúng ta có thể cho phép người dùng (cụ thể là người hút thuốc) sử dụng các sản phẩm thuốc lá nhưng phải kiểm soát được nó bằng cách đưa ra những quy tắc, luật lệ, quy định cụ thể.
GS Khayat cũng chia sẻ thêm trường hợp ở Nhật Bản, khi thuốc lá làm nóng được chính phủ cho phép kinh doanh vào năm 2014. Kết quả, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá làm nóng tăng lên nhanh trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu giảm xuống rất nhiều, kéo theo tỷ lệ người tử vong và mắc các bệnh liên quan do thuốc lá điếu cũng giảm theo. Vì vậy, theo giáo sư người Pháp, việc cho phép sử dụng hợp pháp các loại thuốc lá mới đã qua kiểm nghiệm khoa học đi kèm với các điều khoản kiểm soát chặt chẽ… sẽ là giải pháp giảm nguy cơ đối với các bệnh lý do hút thuốc lá gây ra.