Trong hàng chục năm qua,ếnthuậtcóthểgiúpNgađốiphótàungầmtựsáxx việt nam Hạm đội Biển Đen của Nga hầu như không chú ý đến tác chiến chống ngầm, do Ukraine từ năm 2014 đã loại biên tàu ngầm cuối cùng, chiếc Zaporizhzhia được chế tạo từ thập niên 1970.
Hạm đội Biển Đen kể từ đó chỉ tập trung vào năng lực phòng không và tác chiến chống tàu nổi. Nhưng tình hình thay đổi khi hải quân Ukraine hồi tháng 8 thông báo hạ thủy nguyên mẫu tàu ngầm tự sát (UUV) dài khoảng 5 m có tên Marichka.
Marichka được thiết kế như một quả ngư lôi trang bị hệ thống dẫn đường quán tính và mang theo hàng trăm kg chất nổ, di chuyển được quãng đường gần 1.000 km trong lòng biển để tấn công tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen Nga.
"UUV có lợi thế tàng hình rất lớn, do chúng hoạt động dưới mặt nước", Scott Savitz, kỹ sư cấp cao tại tổ chức RAND Corporation ở California, Mỹ, nhận định. "Việc tấn công từ bên dưới lòng biển cũng có thể gây thiệt hại lớn cho tàu chiến".
Biên tập viên David Axe của Forbes nhận định do Nga khó đưa lực lượng tới tiếp viện tới Biển Đen, hạm đội ở đây phải sử dụng các khí tài hiện có trong biên chế để đối phó UUV Ukraine trong tương lai.
Hạm đội Biển Đen hiện sở hữu trực thăng Ka-27 được trang bị hệ thống thủy âm có khả năng chống ngầm. Sư đoàn chống tàu ngầm số 181 của hạm đội đang vận hành 4 tàu tuần tra Đề án 22160 và ba hộ vệ hạm săn ngầm cỡ nhỏ thuộc lớp Đề án 1124 Albatros.
Tàu tuần tra Đề án 22160 dường như không có hệ thống thủy âm, nhưng chúng có thể làm nhiệm vụ hộ tống hộ vệ hạm Đề án 1124 cũ hơn. Các hộ vệ hạm này mang theo hai hệ thống thủy âm, một gắn trên mũi tàu và một được kéo sau đuôi tàu, để thực hiện nhiệm vụ chống ngầm.
"Nếu Hạm đội Biển Đen của Nga có thể triển khai trực thăng Ka-27 và hộ vệ hạm Đề án 1124 theo chiến thuật săn ngầm mà Liên Xô từng áp dụng, họ có thể đánh chìm tàu ngầm tự sát Ukraine trước khi chúng lao vào nơi đóng quân của hạm đội", Axe nhận định.
Hải quân Liên Xô từng áp dụng chiến thuật săn ngầm vùng nước nông khá phức tạp. Chuyên gia hải quân Troy Bentz từng giải thích "hải quân Liên Xô thường dựa vào các thiết bị phát tín hiệu thủy âm để phát hiện mục tiêu dưới nước ở khu vực ven biển". Họ phát hiện ra rằng việc thả thiết bị thủy âm từ trực thăng săn ngầm xuống biển rất hiệu quả.
Bentz cho biết hải quân Liên Xô không chỉ sử dụng thiết bị thủy âm từ trực thăng Ka-27, mà còn trang bị chúng trên hộ vệ hạm Đề án 1124.
Theo chiến thuật này, tàu hộ vệ kéo theo thiết bị thủy âm liên tục phát tín hiệu ping vào lòng biển để phát hiện tàu ngầm, ngư lôi đối phương, trong khi trực thăng Ka-27 tiến về phía trước để xác định vị trí mục tiêu.
"Bất cứ đội hình nào sử dụng kết hợp hai hoặc ba phương tiện như Ka-27 và hộ vệ hạm Đề án 1124 đều phù hợp", Bentz cho biết.
Tuy nhiên, chiến thuật này tồn tại lỗ hổng là trực thăng Ka-27 hoặc hộ vệ hạm Đề án 1124 đều phải ở yên tại chỗ khi triển khai thiết bị thủy âm. Đối phương có thể cho phương tiện vòng tránh khu vực có tín hiệu thủy âm của Nga.
Để khắc phục điều này, hệ thống thủy âm tại mũi chiến hạm Đề án 1124 liên tục phát ra sóng âm khi con tàu di chuyển. Trong đội tàu săn ngầm đủ lớn của Liên Xô, một số chiến hạm thường xuyên rà quét khu vực, trong khi số khác đứng yên để thả mảng thủy âm.
Tuy nhiên, hệ thống thủy âm trên mũi chiến hạm thường có điểm mù là nơi đặt chân vịt của tàu. Tàu ngầm HMS Swiftsure của hải quân Anh từng lợi dụng điểm mù này để xâm nhập nhóm tác chiến tàu sân bay Kiev của Liên Xô và bám đuôi chiến hạm này trong nhiều giờ.
"Phương án săn ngầm gần bờ của Liên Xô từng rất hiệu quả, dù chưa hoàn hảo. Nếu Nga tái sử dụng chiến thuật này, họ vẫn có cơ hội ngăn chặn các cuộc tấn công của UUV Ukraine trong tương lai", Axe nhận định.
Nguyễn Tiến (Theo Forbes)