Nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Tại Hội nghị thương mại điện tử xuyên biên giới 2023 vừa diễn ra ngày 19.10,ệtNamtrởthànhđiểmcungứngmớicủathếgiớket qua bong da 7m ông Eric Broussard, Phó chủ tịch Tập đoàn Amazon, đánh giá VN là một mắt xích cung ứng mới nổi của thương mại điện tử toàn cầu. Theo ông, VN có cơ hội đa dạng hóa danh mục hàng hóa trên sàn thương mại điện tử nhờ lợi thế là một trung tâm sản xuất (hub) mới của châu Á và thế giới với năng lực cung ứng sản phẩm phong phú. Ngoài ra, tinh thần khởi nghiệp tại VN rất cao, góp phần gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng thương mại điện tử toàn cầu.
Theo báo cáo mới của Amazon, trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31.8, doanh nghiệp (DN) VN bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên sàn này, giá trị tăng 50% so với giai đoạn cùng kỳ 2022. Có 5 ngành hàng bán chạy nhất gồm nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Trong đó, đây là năm đầu tiên ngành hàng làm đẹp vào top 5 với các sản phẩm như lông mi - móng tay giả, serum dưỡng mi - mọc tóc, bột trắng răng, kem liền sẹo "Made in VN"…
Không chỉ bán lẻ, cơ hội bán sỉ trực tuyến cũng khả quan. Ông Roger Luo, Giám đốc Alibaba.com khu vực Đông Nam Á, thông tin: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số giao dịch của nhà mua hàng qua sàn đã tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù trong bối cảnh xuất khẩu truyền thống sụt giảm thì DN VN, chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, tham gia xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử vẫn duy trì được hoạt động và thậm chí vẫn có tăng trưởng về số lượng bán ra. Bên cạnh đó, VN vẫn đang dẫn đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu, hạt điều; đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê và trong top 5 về xuất khẩu gạo, dệt may, da giày…
Vừa trở về từ hội chợ thường niên quốc tế về thực phẩm và đồ uống lớn nhất thế giới 2023 tại Đức, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Phúc Sinh Group, thông báo khách hàng quan tâm rất lớn đến mặt hàng nông sản của VN. Hạt tiêu, cà phê, quế, hồi và nhiều loại gia vị hay hạt điều cũng như rau củ đông lạnh, hoa quả… rất được ưa chuộng. Thậm chí, cà phê của VN năm nay không có hàng để bán khi người mua từ nhiều nơi trên thế giới đổ xô đặt hàng. Một số sản phẩm nông nghiệp chế biến như khoai, sắn… cũng đã bán ra khắp nơi. Theo ông Thông, đối với nhóm sản phẩm nông nghiệp đã có vị thế lớn trên thị trường thế giới thì cần phải đẩy mạnh chế biến sâu để mang lại giá trị cao hơn. Ví dụ như hạt tiêu thì cả cành, lá đều có thể chế biến ra nhiều sản phẩm khác. Hay như 1 kg
cà phê giá cao nhất mà Phúc Sinh bán chỉ có giá 800.000 đồng/kg thì trà cascara được chế biến từ vỏ cà phê được bán giá gấp đôi. "Chúng ta đang có tiềm năng và lợi thế ở nhiều ngành hàng, nhất là sản phẩm nông nghiệp. Khách hàng thế giới đã biết đến hàng hóa của VN. Vấn đề quan trọng là gia tăng chế biến sâu để mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân và cả đất nước", ông Phan Minh Thông nhấn mạnh.
Chiếm hơn 10% chip bán dẫn xuất khẩu vào Mỹ
Nhiều sản phẩm công nghệ, điện tử từ VN cũng đã khẳng định vị trí trên thị trường toàn cầu. Chúng ta đang đứng thứ 2 về xuất khẩu điện thoại di động và linh kiện với giá trị đạt gần 58 tỉ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước. Hay nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện cũng xuất khẩu đạt khoảng 55,5 tỉ USD, tăng 9,7%...
Theo số liệu từ Bộ TT-TT cập nhật đến tháng 5.2023, VN đang giữ vị trí thứ ba châu Á về doanh số xuất khẩu chip bán dẫn sang Mỹ, chỉ sau Malaysia và Đài Loan. VN cũng thuộc nhóm dẫn đầu về gia tăng xuất khẩu chip tới Mỹ, bên cạnh Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia. Đáng lưu ý, số liệu của Bộ TT-TT cho thấy doanh thu từ thị trường Mỹ của ngành chip VN tăng gần 75% sau 1 năm, từ 321,7 triệu USD trong tháng 2.2022 lên 562,5 triệu USD tháng 2 năm nay, chiếm 11,6% thị phần. Đây cũng là tháng thứ bảy liên tiếp, chip "Made in Vietnam" đạt hơn 10% thị phần tại Mỹ. Những con số này được thống kê trước thời điểm diễn ra chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến VN, sau đó có những hợp tác, thỏa thuận quan trọng liên quan phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; những dự án mới, mở rộng của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Đặc biệt, với việc mở rộng sản xuất và đầu tư mới của hàng loạt tập đoàn gần đây trong lĩnh vực công nghệ, VN dần trở thành cái tên đáng chú ý trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, đã có 25 nhà cung ứng của Apple đang đặt nhà máy tại nhiều tỉnh thành VN. Đây là các nhà thầu lắp ráp iPhone, iPad, đồng hồ, tai nghe, linh kiện khác. Quan trọng hơn, một loạt nhà cung cấp của Apple gần đây đã mở rộng nhà máy.
Chẳng hạn, trong tháng 6 vừa qua, Compal Electronics, nhà thầu sản xuất iPad và Apple Watch, đầu tư vào KCN Liên Hà Thái (Thái Bình) thực hiện dự án chuyên sản xuất, gia công, lắp ráp máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy tính, thiết bị truyền thông, sản phẩm điện dân dụng, linh kiện điện tử.
Trước đó, Compal đã sản xuất các sản phẩm Apple tại nhà máy ở Vĩnh Phúc hay Foxconn, một trong các nhà thầu lớn nhất của Apple, từng bước thực hiện kế hoạch phân bổ sản xuất iPad và MacBook sang VN. Từ cuối năm 2022, Foxconn đã ký hợp đồng thuê lô đất khoảng 45 ha trong KCN Quang Châu (Bắc Giang).
Đến tháng 5.2023, DN này tiếp tục thuê khu đất rộng 48 ha tại KCN WHA (Nghệ An), tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD. Theo thông tin mới nhất từ tờ Economic Daily News, Foxconn Industrial Internet (FII), công ty con của Foxconn, sẽ độc quyền cung ứng máy chủ sản xuất tại VN cho Apple để đào tạo và thử nghiệm các dịch vụ AI. Foxconn là nhà cung ứng máy chủ dùng trong trung tâm dữ liệu lớn nhất của Apple, chiếm khoảng 43% thị trường máy chủ toàn cầu… Như vậy, những sản phẩm từ VN không chỉ còn là hàng đơn giản như dệt may, da giày mà sẽ ngày càng có thêm nhiều sản phẩm công nghệ cao, điện tử, vi mạch trên khắp các quốc gia.
Chuyên gia về vi mạch thế giới, Giáo sư Đặng Lương Mô phân tích con chip điện tử nhỏ bé từng giúp Đài Loan tạo được đòn bẫy kinh tế và chính trị, nâng cao vị thế hòn đảo trên thị trường thế giới. Có một thời chuỗi cung ứng toàn cầu của nền công nghệ bán dẫn phụ thuộc lớn vào nhà cung ứng này. Thế nhưng, bản đồ chip toàn cầu có thể được vẽ lại, trong đó, cái tên VN được nhắc đến nhiều hơn. Đó là kỳ vọng lớn cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng chiến lược này của VN trong tương lai gần lẫn xa. Đến nay, ngoài những tên tuổi sản xuất chip bán dẫn lớn như Intel, Samsung, Synopsys… đã có mặt ở VN từ rất sớm, khoảng hơn 50 DN FDI lớn thuộc ngành công nghiệp vi điện tử, bán dẫn, trong đó gồm lĩnh vực thiết kế vi mạch, đã đầu tư vào VN.
Hàng hóa Việt sẽ tăng tốc gấp bội…
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, nhận định xu thế dịch chuyển sản xuất của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới sang VN đã trở nên rõ ràng. Đây cũng là điểm hấp dẫn mà VN đã duy trì được trong những năm qua. Từ đó hàng hóa xuất khẩu của VN cũng được đa dạng hóa hơn, sang nhiều thị trường hơn. Cơ hội để VN tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu sau các quan hệ đối tác ngoại giao đã được nâng tầm cao; các hợp đồng thương mại thế hệ mới đang ngày càng rõ. Tuy nhiên, DN Việt cũng cần chủ động hơn trong việc nắm bắt xu thế sản xuất mới để có thể chủ động trong chuỗi sản xuất chuyên sâu. Từ đó mới nâng tầm cạnh tranh và gia tăng giá trị hàng hóa trong nước và thương hiệu Việt. Chẳng hạn, chuỗi cung ứng của Apple đang có rất nhiều đơn vị sản xuất ở VN nhưng hầu hết vẫn là DN FDI. Hay cốt lõi là con chip trong các sản phẩm Apple do quốc gia, vùng lãnh thổ khác sản xuất và chiếm đến 2/3 giá trị sản phẩm…
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại kinh tế và quốc tế) khẳng định kỳ vọng VN trở thành điểm cung ứng hàng hóa mới trên thị trường thế giới là hoàn toàn có cơ sở. Theo ông, VN có lực lượng DN sản xuất xuất khẩu hùng hậu, có năng lực tổ chức chuỗi sản xuất công nghiệp quy mô lớn với chất lượng đạt chuẩn quốc tế được hình thành lâu đời và đang có xu hướng lan rộng. Đặc biệt, với việc ký kết hợp tác thương mại song và đa phương đến hầu hết các thị trường lớn, VN giữ được thế mạnh về kết nối hàng hóa cả đầu vào lẫn đầu ra trên toàn cầu cũng như năng lực cung ứng đến thị trường lớn. Ông nói, cách đây 3 năm, VN đã vào top 20 quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn trên thế giới còn về thu hút vốn FDI cũng xếp vị trí tương đương. Điều này cho thấy với thị trường toàn cầu, DN VN đã lớn mạnh đáng kể, có năng lực sản xuất quy mô ngày một lớn.
Lần đầu tiên có nhóm hàng xuất nhập khẩu đạt 3 con số
Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng của năm 2023, xuất nhập khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện đạt kim ngạch 104,23 tỉ USD. Đây cũng là nhóm hàng xuất nhập khẩu đầu tiên của cả nước đạt quy mô kim ngạch 3 con số. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của nhóm hàng này gồm: Mỹ, Trung Quốc, EU, Hồng Kông…
Trong một thị trường biến động liên tục trong vòng 3 - 4 năm trở lại đây, lượng hàng hóa được sản xuất từ VN ra thị trường thế giới tuy có giảm song DN xuất khẩu đã sớm lấy lại cân bằng, từng bước khắc phục khó khăn để giành lại quyền sản xuất, bán hàng từ các đơn hàng đã giảm. Tuy nhiên, trong tương lai, xuất khẩu các sản phẩm truyền thống có thể thu hẹp hoặc thay đổi trạng thái chất lượng với thang bậc giá trị gia tăng cao hơn. Ngành công nghiệp chip bán dẫn nếu thành công sẽ thúc đẩy kinh tế VN chuyển đổi mô hình kinh tế từ rộng sang sâu tốt hơn. Cơ cấu lao động sẽ có sự thay đổi đáng kể, từ đó, cơ cấu thị trường, đối tác cũng chuyển dịch theo hướng giá trị hơn, thậm chí đột phá với giá trị gia tăng cao hơn.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: Lợi thế của hàng hóa VN trong giai đoạn này là các quốc gia tiêu thụ lớn như Mỹ và đồng minh đang có chính sách giảm phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường cung ứng hàng hóa lớn từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… Đặc biệt với sản phẩm mang tính sống còn cho sự phát triển bền vững trong thế kỷ 21 - con chip điện tử - các nước lớn đang từng bước tìm nguồn cung mới để tránh phụ thuộc. Sự chuyển dịch đó mang tính chiến lược; VN đã và đang coi đó là cơ hội lớn để thay thế cơ bản vị thế cho giai đoạn phát triển mới này.
Trong thực tế, hàng hóa xuất khẩu truyền thống như dệt may, gạo từ VN có thể tăng trưởng bền vững nhưng khó có đột phá còn thiết bị điện tử, chip bán dẫn… được kỳ vọng rất lớn. Trong bối cảnh mới, VN đã biết tạo vị thế chính trị khéo léo để duy trì ổn định kinh tế, việc phát triển từ quan hệ đối tác toàn diện sang đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ là điểm mốc lớn trong năm nay. Thực tế cho thấy nếu tận dụng hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… VN hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm cung ứng chip và nhiều mặt hàng cạnh tranh khác ra toàn cầu ít gặp trở ngại hơn so một số nước trong khu vực.
"Một số nghiên cứu tính toán của chúng tôi cho thấy kim ngạch xuất khẩu VN có thể tăng gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thương mại cả nước. Lý do để chúng tôi có dự báo lạc quan này là thực tế từ nhu cầu hàng hóa công nghệ cao của các nước, đặc biệt là Mỹ, sau đợt đứt gãy chuỗi cung ứng từ Trung Quốc do chính sách phòng vệ Covid-19. Ngoài ra, với việc gia tăng các gói viện trợ ra nước ngoài của Mỹ sẽ tạo nhu cầu cung ứng chip cao hơn, trong đó, VN là một trong những nhà cung ứng được hưởng lợi", ông chia sẻ thêm.
Cần tinh chế sâu, chủ động tăng sức cạnh tranh
Nhiều hàng hóa nông sản của VN đang dẫn đầu về xuất khẩu thế giới nhưng phần lớn vẫn bán thô. Các sản phẩm chế biến cụ thể mang thương hiệu Việt lên quầy kệ siêu thị hay lên bàn ăn các gia đình ở nhiều thị trường quốc tế chưa có; hay xuất khẩu các sản phẩm điện tử, điện thoại và linh kiện rất lớn nhưng chủ yếu của DN FDI. Làm sao để DN trong nước phát huy được nội lực là quan trọng nhất. Có những yếu tố lạc quan và kỳ vọng để biến VN thành công xưởng sản xuất lớn hơn nữa nhưng không thể đi tắt đón đầu. Cần có sự chuẩn bị ngay và quyết tâm đi kèm. Chính phủ cần nhanh chóng rà soát lại các chính sách theo hướng cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy DN theo hướng đổi mới sáng tạo. Bản thân DN phải tập trung nguồn lực như quản trị hiệu quả, đổi mới sáng tạo để gia tăng năng suất lao động... Từ đó mới có thể đáp ứng được điều kiện nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn hàng đầu thế giới.
(TS Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)