Tham dự lễ khai trương Xanh SM tại Lào có Phó thủ tướng,ệtNamtiênphongxuấtkhẩugiaothôditnhau Bộ trưởng Công an Lào, đại tướng Vilay Lakhamphong; Đại sứ VN tại Lào Nguyễn Bá Hùng; Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vientiane - ông Anouphap Tounalom cùng đông đảo đại diện các bộ, ngành liên quan của Lào và VN.
Mỗi tài xế là một "đại sứ xanh"
Chiều 9.11, hơn 150 xe VinFast VF 5 Plus màu xanh lục lam đặc trưng của thương hiệu Xanh SM xếp hàng ngay ngắn, xoa dịu cái nắng chói chang của thủ đô Vientiane (Lào). Từ nay, người dân Vientiane và du khách quốc tế đến Lào đã có thể dễ dàng đặt taxi Xanh SM qua ứng dụng Xanh SM Laos trên App Store và Play Store như các hãng gọi xe công nghệ hoặc cũng có thể thuê xe trực tiếp trên đường. Lào là thị trường nước ngoài đầu tiên trong kế hoạch vươn tới các quốc gia Đông Nam Á, khởi động chiến lược "Go Green Global" của GSM.
Với kế hoạch mở rộng hoạt động trên quy mô toàn quốc, Xanh SM dự kiến sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm mới tại Lào, mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp hấp dẫn cho người dân địa phương khi không yêu cầu vốn đầu tư, tối ưu thu nhập và được đào tạo nghiệp vụ bài bản. Trong đó, mỗi tài xế Xanh SM Lào sẽ được định hướng phát triển thành "đại sứ xanh" trực tiếp kết nối khách hàng với thương hiệu, góp phần nâng cao hình ảnh xanh - sạch, vì môi trường cho du lịch Lào.
Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Vientiane - ông Anouphap Tounalom cho biết tại Lào, xu hướng sử dụng xe điện đang ngày một gia tăng, đặc biệt tại các TP lớn như Vientiane. Việc ra mắt dịch vụ taxi Xanh SM tại Lào là bước đi đáng khen ngợi, không chỉ giúp người dân Lào và du khách từ nay có thêm lựa chọn phương tiện di chuyển có chất lượng, mà còn góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, giúp chính phủ Lào hoàn thành mục tiêu quốc gia đến năm 2030 có 30% tổng số phương tiện lưu hành là xe điện.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế Lào đang gặp khó khăn, sự xuất hiện của Xanh SM giúp tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, nhất là trong thời điểm nước này đang tích cực chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN và Năm Du lịch quốc gia Lào 2024.
"Chúng tôi rất hoan nghênh các doanh nghiệp (DN) tiên phong như GSM đầu tư vào Lào và đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Lào. Chúng tôi cam kết sẽ có những biện pháp hỗ trợ tốt nhất nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho GSM phát triển mạnh mẽ tại Lào", ông Anouphap Tounalom nói.
Cũng tại sự kiện, Đại sứ VN tại Lào Nguyễn Bá Hùng khẳng định sự hiện diện của GSM nói riêng cũng như các dòng xe điện của thương hiệu VinFast nói chung sẽ là nguồn cảm hứng, khởi đầu cho nhiều hoạt động đầu tư khác của các DN, tập đoàn kinh tế lớn của VN tại Lào trong tương lai. Qua đó, củng cố thêm quan hệ gắn bó VN - Lào đã được hình thành từ trong lịch sử.
Đưa hình ảnh VN xanh ra thế giới
Đứng ở góc độ kinh doanh của DN, chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích: GSM đang tận dụng rất tốt lợi thế mô hình vận tải xanh đa nền tảng đầu tiên trên thế giới để tìm đường xuất khẩu. Trên con đường đó, thị trường thuận lợi nhất là những quốc gia ngay bên cạnh như Lào. Do không có cảng biển nên chi phí nguyên liệu xăng, dầu của nước này khá cao, trong khi giá điện lại thấp, tạo ưu thế cho xe điện phát triển. Vì thế, nếu xét về chiến lược kinh doanh thì đây là nước đi rất khôn ngoan của DN, đồng thời cũng góp phần giải bài toán phát triển thị trường xe điện của VN.
"Tuy nhiên, hiện Lào có kết nối giao thông rất thuận tiện sang Trung Quốc - nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới và cũng đang có trữ lượng tồn kho xe điện lớn. Trong một miếng bánh khá nhỏ như thị trường Lào, áp lực cạnh tranh của VN rất lớn. Nhưng ai đến trước sẽ chiếm ưu thế. Chỉ cần tốc độ thâm nhập thật nhanh nữa thì sẽ thành công", ông Chinh nhìn nhận.
Mở rộng góc nhìn, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho biết xuất khẩu dịch vụ không phải yếu tố mới của VN. Chúng ta đã xuất khẩu nhiều loại hình dịch vụ như du lịch, logistics, viễn thông, ngân hàng… Song, chúng ta chủ yếu vẫn xuất khẩu hàng hóa và nhập siêu dịch vụ. Trong khi đó, những nước phát triển thường nhập siêu hàng hóa (để hưởng giá rẻ, ít bị ảnh hưởng môi trường do sản xuất...) và thường xuất siêu dịch vụ do có nguồn tài chính dồi dào, đồng tiền có giá trị cao, sở hữu khoa học - công nghệ hiện đại... Vì thế, Xanh SM một lần nữa đưa dịch vụ taxi của VN quay trở lại chinh phục thị trường Lào, gắn với bước tiến mới nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt nhịp xu thế mới của thế giới, sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu dịch vụ của VN, tạo xu thế đa dạng hóa các loại hình dịch vụ đưa ra thế giới.
Bên cạnh đó, Xanh SM gắn với tên tuổi của Tập đoàn Vingroup cùng chiến lược đầu tư một hệ sinh thái từ sản xuất cho tới dịch vụ ô tô điện, dịch vụ xanh… thâm nhập nhiều khu vực trên thế giới, cũng sẽ góp phần xây dựng hình ảnh cho thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Người dân Lào không phải đối tượng sử dụng nhiều taxi nhưng thủ đô Vientiane cùng một số TP lớn của nước này đang ngày càng thu hút nhiều du khách quốc tế. Vì thế, thương hiệu taxi điện của VN tại Lào không chỉ phục vụ người dân Lào mà còn góp phần quảng bá hình ảnh DN Việt, thương hiệu Việt tới bạn bè thế giới.
Dẫn từ câu chuyện xuất khẩu xe điện sang thị trường Mỹ, lên sàn Nasdaq và lần này là xuất khẩu dịch vụ taxi điện sang Lào, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, khẳng định đây là hành động rất đáng tôn trọng, đáng trân trọng của DN. Họ dám làm, dám chấp nhận rủi ro của người tiên phong để khẳng định thương hiệu cũng như hình ảnh đất nước, hình ảnh VN. Ngành công nghiệp ô tô của VN, so với thế giới, đã đi sau rất dài.
Ngay cả với thị trường Lào, văn hóa sử dụng ô tô của họ cũng đã đi trước VN. Xe VinFast cùng dịch vụ taxi Xanh SM mới ra đời, không chọn cách theo sau, cạnh tranh cùng phân khúc mà "đánh" luôn vào thị trường mới nhất, vào công nghệ đẳng cấp nhất của loài người là xe điện, dịch vụ xanh. Điều này chứng tỏ họ rất tự tin vào thực lực, vào xu hướng xanh của thế giới, cũng như đã phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện cho các cuộc đấu này. Những yếu tố này hợp lại với nhau thì có thể tạo nên chiến thắng.
"Xe điện, dịch vụ taxi điện là xu hướng của thời đại, cực kỳ có triển vọng trên toàn thế giới. Xu hướng này sẽ phát triển rất nhanh, rất mạnh. Tại khu vực Đông Nam Á, GSM đang là DN đi đầu trong lĩnh vực dịch vụ này nên nếu đi được nhanh, đón đầu được xu thế thì sẽ có ưu thế rất tốt trong tương lai. Với những lợi ích thiết thực, to lớn, những DN như GSM, VinFast cần sự ủng hộ mạnh mẽ về mặt tinh thần của người tiêu dùng, theo sau là sự hỗ trợ về mặt chính sách. Đây không chỉ là thương hiệu của một DN mà còn là hình ảnh đại diện của VN đi ra thế giới", PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Đây là một dự án góp phần thắt chặt hơn nữa cho mối quan hệ Lào - VN ngày càng đơm hoa kết trái. Việc đầu tư từ một tập đoàn lớn của VN vào Lào sẽ kêu gọi nhiều thêm nữa các công ty khác sẽ đầu tư vào Lào. Thị trường Vientiane sẽ là cơ sở đầu tiên để phát triển mở rộng thêm ra nhiều tỉnh thành khác của Lào. Tôi tin tưởng rằng GSM sẽ nhận được nhiều thành công trong việc đầu tư phát triển tại Vientiane.
Ông Viengsavanh Vilayphone, Phó chủ tịch Ủy ban Hợp tác Lào - VN